Thực phẩm hữu cơ (Organic food) còn được gọi là Thực phẩm tự nhiên (Natural food) hoặc Thực phẩm lành mạnh (Health food). Đây là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức canh tác không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng.
Thực phẩm hữu cơ gồm các loại sản phẩm từ cây trồng (trái, hạt, củ…) và các sản phẩm từ vật nuôi (thịt, trứng, sữa). Từ hai loại cơ bản này người ta có thể sản xuất ra các loại thực phảm hữu cơ chế biến khác như nước ép trái cây, phô mai, snack…
Một vài tiêu chuẩn để đánh giá thực phẩm hữu cơ
– Chỉ sử dụng các loại phân bón, chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu được phê chuẩn để chăm sóc chúng. Các sản phẩm nhân tạo được khuyến khích trong việc chăm bón, như sử dụng các loại phân bón tự nhiên, phân chuồng, phân xanh… Thay vì sử dụng các chất diệt cỏ vô cơ, các nông dân nhổ bằng tay, dùng cuốc dọn cỏ…
– Các ứng dụng kỹ thuật biến đổi gene và những loại bức xạ nhất định không được sử dụng trên các loại thực phẩm hữu cơ.
– Thực phẩm hữu cơ phải đi qua ít giai đoạn xử lý hơn và thực phẩm được gắn mác “100% hữu cơ” giữ được dinh dưỡng và mùi vị tốt hơn bởi vì chúng được nuôi, trồng một cách tự nhiên.
– Sản xuất thực phẩm hữu cơ tốt cho môi trường vì không thải ra môi trường những hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu, không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sử dụng ít năng lượng và thải ra ít rác thải hơn sản xuất thực phẩm theo phương pháp bình thường.
Để bảo đảm an toàn khi mua thực phẩm hữu cơ
– Đối với các loại rau và trái cây như táo, đào, lê, cần tây, khoai tây, nho, rau dền, dâu tây thì bạn nên ưu tiên mua dưới dạng hữu cơ, vì đây là những loại rau quả giữ nhiều thuốc trừ sâu dư thừa nhất.
– Hãy mua rau xanh và trái cây vào đúng mùa. Điều đó có nghĩa là nên chọn các sản phẩm phát triển tự nhiên theo mùa để cây không cần phải có bất kỳ vật liệu nào để hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng. Đồng thời, chúng sẽ để bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá cả cũng rẻ nhất.
– Nên đọc nhãn một cách cẩn thận. Các loại thực phẩm hữu cơ không có nghĩa là thực phẩm lành mạnh. Một vài loại thực phẩm hữu cơ cũng có hàm lượng chất béo, đường hoặc muối cao.
– Nếu bạn lo lắng về việc nhiễm thuốc trừ sâu, hãy lột bỏ phần ngoài của trái cây và rau xanh. Tỉa bỏ các lá bên ngoài của các loại rau như rau diếp và bắp cải. Tuy nhiên có một điều bạn cần nhớ là việc gọt bỏ vỏ một số loại trái cây, rau củ có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của chúng.
– Bạn cần đảm bảo an toàn và cẩn thận trong quá trình vận chuyển thực phẩm hữu cơ, tránh để nhiễm trùng.
Bạn nên biết
– Các thực phẩm như chuối, xoài, đu đủ, dứa, bơ, súp lơ, bông cải xanh, ngô, hành tây và đậu Hà Lan là những thực phẩm có hàm lượng thuốc trừ sâu thấp hơn và bạn có thể lựa chọn những sản phẩm thông thường để giảm chi phí.
– Trong chế độ ăn hàng ngày bạn phải mua nhiều loại thực phẩm khác nhau từ nhiều nguồn. Vì vậy, cách tốt nhất là mua rau quả theo mùa, rửa trái cây và rau thật kỹ dưới vòi nước chảy để loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn và dấu vết của hóa chất độc hại và gọt vỏ trước khi ăn.